Ông Đinh Thiện Lý là người huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô, sinh ngày 25 tháng 01 năm dân quốc 28 (năm 1939) tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ông nội của Ông là Kính Thần, kinh doanh mỏ than, ruộng muối và vận tải đường thủy tại Thanh Đảo. Sự nghiệp thành công, là người nhiệt tình đối với lợi ích chung, hay giúp đỡ người khác, tiếng tăm lẫy lừng. Ông nội từng đảm nhiệm chức Hội trưởng Thương hội Thành phố Thanh Đảo trong một thời gian dài. Thân phụ là Úy Nông, thân mẫu là Hạ thị, anh chị em của ông tổng cộng có 9 người, đều đã thành gia thất và tạo dựng được sự nghiệp thành công ở các nơi. Anh cả Đinh Thiện Tỉ từng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Châu Á lần 3. Sau khi kháng chiến thắng lợi, trong nước xảy ra nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản, năm dân quốc 37 (năm 1948) Sơn Đông bị thất thủ, cả nhà cùng với Chính phủ di tản sang Đài Loan và định cư tại Đài Trung. Lúc đó thân phụ của Ông đầu tư vào ngành công nghiệp nhẹ, khổ công kinh doanh để duy trì sinh kế của gia đình.
Ông từ nhỏ đã thông minh hơn người, ham học hỏi và coi trọng tình nghĩa. Lúc sơ trung Ông học tại Trường Trung học Nghi Ninh. Sau khi tốt nghiệp Trường Công lập Công nghệ cao Đài Trung vào năm dân quốc 46 (năm 1957), Ông được Sở Xây dựng Đài Loan cấp giấy phép hành nghề thợ điện loại A, là người trẻ nhất có tư cách tham gia vào công trình đường dây điện cao thế lúc bấy giờ. Được cha mẹ đồng ý, Ông được cử đi học khóa 30 Trường Sĩ quan Lục quân, được đào tạo huấn luyện thành một sĩ quan văn võ song toàn. Khi học đến năm thứ tư, Ông được chọn làm Trưởng đoàn Đoàn học sinh thực tập toàn trường. Khi cố tổng thống Tưởng Giới Thạch đến duyệt binh tại trường, Ông được chọn làm tổng chỉ huy đội học sinh. Trong thời gian học tại trường, Ông đồng thời đảm nhiệm chức vị Trưởng ban Ủy ban danh dự của nhà trường. Năm dân quốc 50 (năm 1961), ông tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, trở thành Thiếu úy Trung đội trưởng bộ đội đặc phái đến đóng giữ tại mặt trận Kim Môn, chính thức sống cuộc đời quân ngũ. Phục vụ trong quân đội không lâu, Ông được cử sang Mỹ và lần lượt hoàn thành chương trình huấn luyện chuyên nghiệp đặc chủng hết sức nghiêm ngặt của các trường như bộ binh, nhảy dù và đột kích. Năm dân quốc 53 (năm 1964), Ông lại thi đậu học bổng quốc phòng, đến Đại học Colombia - Mỹ học chuyên sâu về ngành điện cơ. Trong thời gian này, ông quen biết và kết bạn với Đinh phu nhân là Phí Tôn Thanh, hai bên qua lại rất tâm đầu ý hợp.
    Sau khi hoàn thành khóa học tại Đại học Colombia - Mỹ, Ông trở về Đài Loan tiếp tục phục vụ trong quân đội, được phong chức thiếu tá. Năm dân quốc 61 (năm 1972), do ông nội và thân phụ lần lượt qua đời, và vừa hết hạn 10 năm phục vụ trong quân ngũ, nên Ông làm thủ tục phục viên chuyển ngành, lập doanh nghiệp để đền ơn, báo quốc. Được sự dìu dắt của tiền bối Triệu Đình Châm, Ông bước vào Tập đoàn nhựa Hoa Hạ rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời gian gần 20 năm làm việc tại tập đoàn này, Ông từng đảm nhiệm qua các chức vụ như: Giám đốc, Tổng xưởng trưởng, Phó tổng giám đốc điều hành và Tổng giám đốc các công ty khác trong tập đoàn¡K, Ông đã đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ cho sự phát triển Nhựa Hoa Hạ ra hải ngoại và sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nhựa trong nước. Từ năm dân quốc 70 (năm 1981), Ông trở thành đối tác trong một bộ phận sự nghiệp khai sáng của Ông Triệu, đồng thời kiêm nhiệm những chức vụ trọng yếu của các công ty thành viên. Tháng 8 năm dân quốc 78 (năm 1989) được ông Từ Lập Đức - Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Quốc Dân Đảng biết về tài năng và trọng dụng, đã nhận nhiệm vụ chủ trì sáng lập Công ty cổ phần Khai thác Mậu dịch Trung ương (CT&D) trong cơ cấu sự nghiệp của Đảng, Ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, phụ trách kế hoạch khai thác kinh doanh.
Ông rất vui khi được giúp đỡ người khác và rất hăng hái nhiệt tình phục vụ đoàn thể xã hội, cho nên trong thời gian phục vụ tập đoàn Hoa Hạ, Ông đồng thời đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic của Trung Hoa Dân Quốc tham dự Olympic lần thứ 21. Tuy gặp phải sự cản trở vô lý của nước chủ nhà là Canada, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng dưới sự dẫn dắt của Ông, đoàn đại biểu đã giành được sự tôn kính và tình hữu nghị của tất cả các quốc gia tham dự. Sau đó Ông đảm nhiệm vị trí đại biểu cao nhất trong đoàn đàm phán giữa Đài Loan và Ủy ban Olympic Thế giới, rõ ràng Ông đã có đóng góp nổi bật đối với việc củng cố vững chắc tư cách hội viên hội Olympic của nước nhà. Tại Hội nghị Ủy ban Olympic lần thứ 81, trong bối cảnh thời gian, không gian lúc đó, Ông đã gạt bỏ mọi khó khăn, chạy vạy khắp nơi, đồng thời ra tuyên bố thể thao và chính trị là hai vấn đề riêng rẽ để giành lấy quyền đại diện tham dự Olympic quốc tế cho Trung Hoa Dân Quốc, giúp cho thanh niên trong nước được tham gia các hoạt động thi đấu trên đấu trường thể thao quốc tế. Đồng thời Ông dần dần thuyết phục Ủy ban Olympic Quốc tế lần đầu tiên chính thức công nhận danh hiệu ¡§Đài Bắc Trung Hoa¡¨ tham gia Thế vận hội, và bước vào vũ đài thể thao quốc tế cho đến ngày nay, giúp cho phong trào thể thao trong toàn dân của nước nhà được tiếp tục phát triển, không bị tách rời khỏi giới thể dục thể thao quốc tế. Ông là một công thần có đóng góp to lớn cho nền thể thao của nước nhà. Ngoài ra Ông còn phục vụ trong các đoàn thể xã hội khác, gồm có: hai nhiệm kỳ 6 năm làm Lý sự trưởng Công hội sản phẩm nhựa khu vực Đài Loan, 6 năm làm Tổng giám sát Hiệp hội khai thác mậu dịch đối ngoại của Trung Hoa Dân Quốc, 15 năm làm Chủ tịch HĐQT quỹ cựu học sinh Trường Sĩ quan Lục quân, 6 năm làm Tổng cán sự và Hội trưởng Hội cựu sinh viên Đài Loan tại Đại học Columbia - Mỹ. Có thể nói Ông là người có năng lực nhiều mặt và được chọn đảm đương nhiều chức vụ. Mọi người đều cảm phục việc Ông bỏ tiền của, sức lực và có tinh thần phục vụ tự nguyện, không nề hà.
    Ông có cuộc sống gia đình đầm ấm. Tháng 05 năm dân quốc 55 (năm 1966), Ông kết hôn sau hai năm tìm hiểu. Đinh phu nhân xuất thân từ một gia đình danh tiếng, là tiểu thư của nguyên Bộ trưởng Tài chính - Ông Phí Hoa. Bà là người ưu tú, hiền thục, đẹp người đẹp nết. Bà có điều kiện đầy đủ nhưng lại có con mắt tinh đời nên chọn kết hôn với Ông Đinh, nguyện trở thành người thân của quân nhân, vào thời gian đó mà nói quả là rất có dũng khí. Sau khi kết hôn, họ có với nhau hai con trai và hai con gái. Ông Đinh là người yêu vợ thương con, tận tụy hết lòng cải thiện đời sống gia đình. Đinh phu nhân thì chăm lo việc nhà, phụ chồng dạy con, gia đình sáu người lúc nào cũng đầm ấm chan hòa. Trưởng nữ Đinh Quảng Nghi tốt nghiệp Trường Đại học Boston và thứ nữ Đinh Quảng Dư tốt nghiệp Trường Đại học Connel, đều kết hôn và đã có con. Trưởng nam Đinh Quảng Khâm tốt nghiệp trường Đại học Harvard và nhận được học vị thạc sĩ của Học viện kỹ thuật Massachusetts (Mỹ), thứ nam Đinh Quảng Hồng tốt nghiệp Học viện Boston, cả hai cũng đã kết hôn, gia đình rất hạnh phúc. Đinh phu nhân không chỉ là người nội trợ mẫu mực đảm đang mà còn là người nhiệt tình phụng hiến cho công tác xã hội. Bà tham gia hầu hết các công tác tình nguyện, từ thiện. Hiện Bà đang đảm nhiệm chức Lý sự trưởng Hiệp hội nữ thanh niên Cơ đốc giáo toàn quốc. Gia đình Ông Đinh là một gia đình Cơ đốc giáo thành kính, trung thành và tuân thủ cuộc sống giáo nghĩa của Cơ đốc giáo. Hai vợ chồng Ông luôn quan tâm chăm lo đến nhu cầu của người khác và thường xuyên suy nghĩ cách thức giúp đỡ họ giải quyết vấn đề. ¡§Quân tử mưu đạo bất mưu phú¡¨ là phương chân xử sự của hai vợ chồng Ông.
    Mùa thu năm dân quốc 78 (năm 1989) là năm bắt đầu sự thử thách quan trọng khác đối với sự nghiệp mưu sinh của Ông. Ông bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh Công ty cổ phần Khai thác Mậu dịch Trung ương (CT&D), trong thời gian gần 3 năm, từ Đông Âu sang vùng Siberia, từ Châu Phi đến Đông Nam Á. Tại những nơi này Ông tiến hành đánh giá và khảo sát, làm rất nhiều việc liên quan đến nghiên cứu và điều tra, sau đó bằng sự phân tích, so sánh tỉ mỉ và chu đáo, cuối cùng quyết định dốc toàn lực đầu tư vào Việt Nam, tiến hành công tác khai phá. Lúc bấy giờ lên kế hoạch thành lập Khu chế xuất Tân Thuận nhằm cung cấp cho các thương gia Đài Loan một cơ sở sản xuất vừa hoàn thiện vừa ưu đãi và bảo đảm; triển khai xây dựng Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, nâng cao môi trường và chất lượng cư trú của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam. Nhà máy điện Hiệp Phước thì góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của Thành phố Hồ Chí Minh, và dự án trồng rừng bạch đàn của KiênTài làm cho vùng đất đai rộng lớn của khu vực thường gặp lũ lụt được tăng thêm giá trị kinh tế. Lúc đầu, con đường đầy chông gai, khó khăn và gian khổ. Nhưng với tinh thần đoàn kết, kiên định. Ông Đinh và các đồng nghiệp của Ông đã quyết tâm khắc phục và giải quyết những khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp này đều có thể hoạt động một cách độc lập và thành công. Trong khoảng thời gian đó, vì Quốc Dân Đảng có sự thay đổi về nhân sự nên đã hoàn toàn rút ra khỏi Công ty CT&D, Ông đã không ngại khó khăn, huy động vốn từ nhân dân, tiếp tục tiến hành sự nghiệp đầu tư. Kế hoạch khai thác tại Việt Nam, ngoài việc được bản thân doanh nghiệp triển khai với số vốn có sẳn, mục đích chủ yếu là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội triển khai kinh doanh, đồng thời giúp Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế, giúp người dân có công ăn việc làm. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu tuyệt vời của toàn thể nhân viên, dưới sự lãnh đạo của Ông và được sự hợp tác giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, Ông và toàn thể đồng nghiệp đã không quản ngại ngày đêm, 15 năm qua việc kinh doanh đã từng bước gặt hái được thành quả tốt đẹp, đồng thời đã khẳng định lớn lao trên trường quốc tế, như Khu chế xuất Tân Thuận đã vinh dự được xếp hạng nhất trong số các khu chế xuất, khu công nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương; quy hoạch tổng thể Đô thị mới Nam Sài Gòn đã đoạt giải thưởng lớn về quy hoạch đô thị tốt nhất của Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ; Nhà máy điện Hiệp Phước vào mùa khô đã cung cấp 45% lượng điện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, 3 dự án này đã cung cấp hàng trăm ngàn cơ hội việc làm cho người dân và cũng tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp thứ cấp ¡§hạ du¡¨. Do đó, Ông đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Huân chương Lao động do Chủ tịch nước ban tặng¡K, làm vẻ vang cho tổ quốc và vang danh thế giới. Thành quả to lớn từ không đến có của CT&D tại Việt Nam là một kỳ tích kinh tế, trở thành điển hình trong ngoại giao kinh tế nước ta. Trong lúc Ông đang triển khai lý tưởng, thực tiễn mà ông từng ấp ủ, cũng có thể nói là khổ tận cam lai, đến lúc đơm hoa kết trái thì không may đã bị một cổ đông góp vốn ngang nhiên tố cáo sai sự thật, khiến cho một người coi trọng danh dự như sinh mệnh của mình bị vu khống về nhân cách một cách tột độ, Ông đã lấy tính cách chính trực, ngay thẳng của một quân nhân hy sinh tính mệnh để bảo vệ tính tôn nghiêm và sự trong sạch của mình, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh của Công ty và sinh kế của nhân viên, thật là di hận muôn đời, khiến trời đất đều thương tiếc. Nhưng ý chí, tinh thần và nhân cách, tác phong của Ông luôn sống mãi. Trong đau thương vô hạn càng khiến cho chúng ta vô cùng tôn kính và mãi mãi tưởng nhớ đến Ông, cầu nguyện cho hương hồn Ông được an nghỉ nơi thiên đàng.