Cùng với các cộng sự trong những ngày đầu đến Việt Nam đầu tư. Người
phụ nữ trong ảnh là bà Ba Dah Wen, Tổng Giám đốc Công ty LD Phú Mỹ
Hưng.
Theo phong tục tập
quán của người Trung Hoa, cứ vào dịp năm hết Tết đến là mọi người
bắt tay vào việc hoạch định phương hướng làm ăn cho năm sau. Vào
thời điểm đầu năm ngoái, trong khi xây dựng kế hoạch kinh doanh,
chúng tôi đã đề ra một mục tiêu quá lớn đến độ tôi - trong vị trí
người điều hành cao nhất của công ty - cảm thấy bị áp lực nặng nề
nên thường xuyên mất ngủ. Thế nhưng năm nay hình như có khác. Ngẫm
nghĩ, tôi chợt hiểu ra nguyên nhân là "cái roi" luôn thúc giục mình
trước đây nay đã không còn nữa. Bởi như tôi thường nói đùa với nhiều
đồng nghiệp rằng ông Ting hiện diện ở đâu thì ở đó có áp lực, vì
dường như trong tay ông ấy luôn cầm một chiếc roi vô hình. Giờ đây
ông đã ra đi, tôi thật sự cảm thấy thiếu mất một sự khích lệ vô cùng
cần thiết! Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa của bốn chữ "Tân-Tốc-Thực-Giản"
mà hồi sinh tiền ông luôn yêu cầu mọi người phải đạt được vẫn còn là
kim chỉ nam hành động của tất cả chúng tôi. Theo tinh thần này, mọi
mục tiêu đặt ra sẽ luôn hướng đến việc không ngừng sáng tạo cái mới,
thực hiện càng nhanh càng tốt, chú ý đến từng chi tiết nhỏ và cải
thiện văn hóa doanh nghiệp ngày càng tinh tế hơn.
¡@
Ông Ting cũng luôn
nhắc nhở chúng tôi phải lưu ý đến mọi thứ, dù là những việc tưởng
chừng rất nhỏ nhặt, bởi tất cả đều phản ánh tri thức và cái tâm của
mỗi người. Tôi còn nhớ có lần đột nhiên ông hỏi một cộng sự rằng ở
Việt Nam có ngựa hay không? Vị này không trả lời được và đã bị ông
khiển trách. Từ đó, mỗi người trong chúng tôi đều cẩn trọng để ý đến
môi trường, hoàn cảnh sống quanh mình hơn. Nhờ vậy, ai nấy hình
thành được thói quen trong mỗi lần đi công tác hay du lịch, ngoài
những tấm hình phong cảnh còn thu thập thêm các hình ảnh có thể giúp
ích cho công việc mình đang làm, chẳng hạn như tháp thông tin, nắp
hố ga, trụ điện, công viên, hàng rào ¡K
¡@
Nhiều người cho rằng
ông Ting rất nghiêm khắc, thường đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho những
người cộng sự. Thật ra ông có lý do riêng để làm vậy. Ông từng nói
với tôi, nếu khi giao việc mà chỉ đề ra 100 điểm, qua đến tay người
thứ nhất có khi chỉ còn 80 điểm, yêu cầu được truyền đạt xuống cấp
dưới thì thang điểm càng giảm, để rồi khi hoàn thành công việc
thường là không đạt tiêu chuẩn đã đề ra. Còn nếu như ông nâng yêu
cầu lên đến 150 điểm thì may ra kết quả cuối cùng có thể đạt được
khoảng 80 điểm. Tôi nghĩ phải trải qua thời gian dài làm việc cùng
ông mới thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ tâm của ông để thích ứng được.
¡@
Lại có người nói ông độc tài. Tôi không nghĩ vậy bởi trên thực tế,
thời gian 10 năm đầu công ty mới thành lập cũng là giai đoạn khai
phá với tất cả mọi sự đều mới mẻ. Trong những bước đi mò mẫm thuở
ban đầu, cả hai phía đối tác đều chưa hình dung thật rõ phải làm gì
điều gì trước, điều gì sau hay làm như thế nào? Nếu bấy giờ không có
một người lãnh đạo quyết đoán như ông, luôn biết đưa ra những quyết
định kịp thời, chính xác để mọi người theo đó thực hiện thì liệu
công việc có tiến triển một cách nhanh chóng, công ty chúng ta có
phát triển được như ngày nay hay không? Có thể nói, ông luôn tìm ra
phương thức xác đáng phù hợp với từng thời điểm hoạt động.
Thế rồi từ năm thứ
11 trở đi, khi công ty bước vào giai đoạn kinh doanh, ông Ting đã
chủ động từng bước bàn giao toàn bộ việc quản lý cho nhóm cộng sự
trẻ chúng tôi. Ông chuyển dần sang nghiên cứu, tìm kiếm những mục
tiêu mới, duy trì các mối quan hệ bạn bè và mở rộng phạm vi hoạt
động từ thiện. Những ai chưa một lần trải qua những gian nan của
thời kỳ đầu khai phá mà chỉ đơn giản dựa vào những biểu hiện bề
ngoài để quy kết ông thì quả thật là không công bằng.
¡@
Trong ứng xử với
nhân viên, ông luôn có một thái độ "không hài lòng lành mạnh". Trước
kia, nhiều lần tôi rất buồn khi thấy rằng mình đã tận tâm tận lực để
hoàn thành nhiệm vụ được giao, thế mà vẫn cứ bị ông bắt bẻ. Nhưng
đến khi đứng ra đảm nhiệm một cương vị mà hành động của mình có thể
ảnh hưởng đến sự thịnh suy của cả doanh nghiệp, tôi mới thật sự hiểu
được nỗi lòng của ông. Người ta ai cũng rất dễ mắc vào căn bệnh tự
mãn, nếu biết áp dụng thái độ "không hài lòng lành mạnh" đúng lúc để
xem xét sự việc thì sẽ tạo ra động lực giúp cho mọi người ngày càng
tiến bộ hơn.
¡@
Hai mươi năm trước,
tôi là thư ký điều hành (Executive Secretary) của ông. Chính ông đã
dạy tôi làm một thư ký không chỉ đơn thuần là nghe điện thoại, sắp
xếp thời gian biểu hay viết biên bản cuộc họp, mà còn phải nắm bắt
toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty, tìm hiểu những vấn đề tồn
tại và hỗ trợ ông làm tốt công tác đối nhân xử thế, bởi hơn ai hết
ông thừa biết nhiều đồng sự rất sợ mình. Nhưng những ai làm việc gần
ông lâu ngày đều nhận ra ông là người "khẩu xà tâm Phật".
¡@
Một bài học quý giá
mà ông dạy cho chúng tôi là phải luyện được phẩm chất của một "chân
quân tử", theo đó điểm quan trọng nhất là "bất năng tắc học, bất tri
tắc vấn"(không biết phải hỏi, không làm được phải học). Chính nhờ
tinh thần không hổ thẹn khi phải học hỏi mà lớp người trẻ chúng tôi
mới có thể nhanh chóng tiếp thu được rất nhiều kiến thức từ những vị
chuyên gia cố vấn giàu kinh nghiệm.
¡@
Ông Ting dùng người
không phân biệt quê quán hay giới tính mà chỉ đòi hỏi phải có khả
năng chấp hành. Xuất thân từ trường Sĩ quan Lục quân, ông thông
thuộc Tôn tử binh pháp và thường sử dụng những thuật ngữ quân sự để
chỉ đạo. Đến nay tôi vẫn không quên những bài giảng hùng hồn của ông
về Tôn tử binh pháp cho chúng tôi!
Nội dung chương "Tận
Tâm" của Mạnh Tử được ông treo trong phòng làm việc và ông vẫn
thường hỏi những nhân viên mới vào có biết trong chương ấy đề cập
đến điều gì không? Có một kỷ niệm vui về việc này, đó là lần một
đồng nghiệp mới vào làm đã được ông đích thân chỉ đạo soạn bản
thuyết trình về tư tưởng của chương Tận Tâm. Anh ấy phải viết đi
viết lại, sửa tới sửa lui đến hàng chục lần. Thấy anh bị "khổ kỳ tâm
chí, lao kỳ cân cốt" (vừa khổ tâm, vừa cực thân) do được "thiên
tướng giáng đại nhiệm" (được cấp trên giao cho một nhiệm vụ cực kỳ
to lớn ) nên chúng tôi đã gọi đùa anh là "Đại nhiệm".
¡@
Tôi cũng nhớ mãi lần
được ông phỏng vấn vào làm việc hồi 20 năm trước. Ông nói rất hăng
say về tầm quan trọng của ngành chế tạo, rằng phát triển công nghiệp
mới là công việc quan trọng nhất của nhân loại (vì khi ấy, tôi còn
có cơ hội khác là làm việc cho một công ty truyền thông). Ông lại tự
giới thiệu mình rất coi trọng gia đình và mỗi người trong nhà đều có
vị trí rất quan trọng trong lòng ông. Ông nhấn mạnh bà Ting là một
người tài giỏi, một phụ nữ rất đặc biệt. Tôi còn nhớ đôi mắt ông như
có ánh hào quang khi nhắc đến bà Ting.
¡@
Rồi 5 năm sau đó,
ông Ting hỏi tôi có muốn cùng ông rời Tập đoàn Nhựa Hoa Hạ để đến
làm việc cho CT&D hay không? Để thuyết phục tôi, ông đưa ra nhân
sinh quan của mình và nói rằng nếu chỉ đơn thuần là chuyện kiếm tiền
thì gia sản hiện nay đã đủ cho cả đời ông lẫn thế hệ sau rồi, càng
có nhiều tiền chỉ càng thêm tai họa cho đời con cháu mà thôi. Theo
ông, việc kinh doanh sẽ vượt lên trên tham vọng vật chất một khi nó
mang ý nghĩa giúp đỡ được thật nhiều người. Cũng như một người mải
miết đi trên con đường đời, lúc ngoái nhìn lại, thấy mình đã chung
tay góp sức xây được một vài viên gạch trên bức Trường thành thì
cũng đủ để mãn nguyện.
¡@
Khoảng 10 năm trước,
trong lúc ngồi họp tại chiếc bàn tròn nhỏ trong phòng làm việc, bỗng
nhiên ông nhìn thẳng vào tôi và cười. Tôi hỏi lý do thì ông nói đang
hình dung đến dáng vẻ của tôi lúc tức giận la rầy người khác. Tôi
trả lời ngay: "Thưa ông, tôi không biết mắng người" (Khi ấy tôi đang
làm thư ký nên yếu tố "nhân hòa" là vô cùng quan trọng). Ông liền
tiếp lời: "Tôi cam đoan không quá ba tháng, cô nhất định sẽ bắt đầu
mắng người". Tôi hỏi tại sao, ông giải thích: "Bởi do áp lực công
việc mà tôi giao cho cô và trách nhiệm nặng nề mà cô đối mặt, tự
nhiên cô sẽ phải xử sự như thế". Quả nhiên, sau đó không lâu, tính
khí của tôi trở nên xấu đi, thường xuyên cảm thấy không hài lòng với
chất lượng công việc của các đồng sự (Vì tôi không còn là thư ký nữa
và áp lực công việc của một phó tổng giám đốc kế hoạch của CT&D thực
sự là rất lớn).
¡@
Một trong những ấn
tượng khó quên nhất về người lãnh đạo tài ba này là hình ảnh ông
cùng với những tờ giấy nhỏ có sẵn trong túi áo, để bất cứ lúc nào
nghĩ ra điều gì ông cũng ghi lại ngay. Hầu như mọi nơi trong nhà (nghe
nói cả trong phòng tắm), trên xe, thậm chí trong túi áo khoác bơi
buổi sáng của ông, đều có rất nhiều mảnh giấy như vậy. Các cộng sự
đều hồi hộp mỗi khi thấy ông rút từ trong túi áo ra một xấp giấy và
bắt đầu giao việc. Có khi chỉ trên một tờ giấy bé xíu đã có đến ¡K
năm sáu việc quan trọng khác nhau! Và ông thản nhiên xé ra từng mảnh
nhỏ để giao cho nhiều người, mà trong mỗi mảnh đều chứa đựng một
nhiệm vụ lớn phải thi hành.
¡@
Hơn 5 năm trước, lúc
chúng tôi còn làm việc trong văn phòng "kho" cũ, ông Ting chính thức
đề nghị tôi tiếp nhận chức Tổng giám đốc của Công ty Liên doanh Phú
Mỹ Hưng. Tôi từ chối bởi vì trước đó ông đã chấp thuận cho tôi trở
về Đài Bắc làm việc. Ông cười và nói rằng: "Coi như tôi gạt cô đi!".
Tiếp theo, với một thái độ rất nghiêm túc, ông cho biết từ nhiều năm
qua công ty luôn chịu áp lực về mặt tài chính, cá nhân ông cũng vì
CT&D mà mắc nợ hai vị cổ đông khác. Vì thế ông thật sự cần phải dành
nhiều thời gian làm việc ở Đài Bắc để có thể sớm trả lại tiền cho
hai vị cổ đông.
¡@
Ông Ting quả thật là
một con người trung thực, dũng cảm gánh vác trách nhiệm, có hoài bão
lớn lao với một nguồn sức mạnh dường như không bao giờ cạn kiệt.
Ông mất đi, thực sự là một tổn thất cho công cuộc xây dựng chung tại
một vùng đất mà ông xem như quê hương thứ hai của mình. Chính vì thế
sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người.

Đại
lộ Nguyễn Văn Linh - công trình có ý nghĩa to lớn đối với TP.HCM
¡@
¡@
Bà
BA DAH WEN
Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng
¡@ |