Đi tận nơi, chỉ đạo tận chỗ
¡@
Đầu thập niên 1990,
Việt Nam bắt đầu mở cửa đón nhận những khoản đầu tư trực tiếp nước
ngoài. Khi ấy, trên cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp
tác và Đầu tư (SCCI) tôi đã gặp ông Lawrence S. Ting, người đang có
ý muốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu chế xuất Tân
Thuận. Bấy giờ đó là dự án có quy mô lớn nhất về diện tích đất sử
dụng, số vốn đầu tư và số lượng dự án công nghiệp sẽ triển khai thực
hiện.
¡@
Thành công của Khu
chế xuất Tân Thuận không chỉ được đánh giá qua con số hàng trăm xí
nghiệp công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu với kim ngạch ngày càng
tăng và thu hút khoảng 40.000 lao động làm việc, mà còn phải thấy
đây là dự án mở đầu cho quá trình hình thành hàng trăm khu công
nghiệp, khu chế xuất trong cả nước. Thiết nghĩ, ông Lawrence S. Ting
ban đầu hẳn cũng chưa hình dung được tác động lan tỏa của ý tưởng
xây dựng khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam mà ông đã đề xuất với SCCI.
¡@
Vài năm sau, ông
Lawrence S. Ting lại đưa ra ý tưởng về việc xây dựng Khu đô thị mới
Phú Mỹ Hưng trên một vùng đất đầm lầy đang là nơi tập trung các nông
trường của Thanh niên xung phong. Quả thật ý tưởng mới này chưa một
ai trong chúng tôi nghĩ đến, do đó người thì ủng hộ, người thì băn
khoăn liệu có thể thực hiện được một dự án như vậy hay không? Cũng
có không ít người phản đối vì cho rằng đó chỉ là ý tưởng viển vông,
trong tình hình thu nhập của người dân Việt Nam - kể cả ở Thành phố
Hồ Chí Minh - còn rất thấp, việc đầu tư xây dựng một đô thị lớn chưa
phải là nhu cầu thật cấp bách. Tuy vậy, SCCI, các bộ phận có liên
quan và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ủng hộ ý tưởng mới
này của ông Lawrence S. Ting với sự thận trọng cần thiết. Trong giấy
phép đầu tư đã chấp nhận về tổng thể khu đô thị mới trên trục đường
Nguyễn Văn Linh hiện nay, nhưng Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng phải
triển khai từng bước và mỗi dự án phát triển phải được trình các cấp
có thẩm quyền để phê chuẩn.
¡@
Ngày nay mọi người
đều đã có thể đánh giá đúng tầm nhìn của ông Lawrence S. Ting đối
với việc xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và chắc rằng không còn
có bất kỳ sự hoài nghi nào về thành công của ý tưởng này nữa. Và từ
khi Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng quy mô thành phố trên các vùng đất
mới thì Hà Nội và các đô thị khác trong cả nước cũng thực hiện theo
xu thế đó. Không biết có phải do tác động lan tỏa của Phú Mỹ Hưng
hay không, nhưng đó là một thực tế khách quan.
¡@
Một kỷ niệm khó quên
đối với chúng tôi là việc ông Lawrence S. Ting có ý muốn đầu tư
trồng rừng làm nguồn nguyên liệu bột giấy tại Kiên Giang trên diện
tích hàng chục ngàn hecta. Vào thời điểm này, phần lớn nhu cầu giấy
của Việt Nam, nhất là giấy cao cấp, đều được nhập khẩu từ nước ngoài,
do vậy việc trồng cây làm nguyên liệu giấy được Nhà nước khuyến
khích. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết địa điểm được lựa chọn là một
vùng sình lầy ngập mặn, bởi chưa có chuyên gia nào của Việt Nam nghĩ
đến việc trồng cây làm nguyên liệu giấy ở đấy. Ông Lawrence S. Ting
đã trình bày với chúng tôi cách làm liếp cao hơn mặt nước và trồng
cây trên đó. Dự án gặp không ít khó khăn, SCCI đã hỗ trợ Công ty
Kiên Tài xử lý từng việc, ví dụ không đánh thuế xăng dầu nhập khẩu
để giúp công ty giảm chi phí¡K Đáng tiếc là khi cây đã xanh tốt, sắp
thu hoạch thì do những nguyên nhân khách quan, Chính phủ buộc phải
thu hồi diện tích đất đã cấp cho công ty bằng cách bồi hoàn tổn thất
mà công ty gánh chịu. Chúng tôi biết rằng, quyết định đó và cả khoản
tiền bồi hoàn cũng chưa đủ để bù đắp thiệt hại do việc chấm dứt
trước thời hạn của dự án, nhưng Công ty Kiên Tài và ông Lawrence S.
Ting đã xử lý một cách đúng đắn với thái độ đầy thiện chí. Điều đó
đã được lãnh đạo cơ quan đầu tư của Chính phủ và một số bộ đánh giá
rất cao.
¡@
Tôi còn nhớ, trong chuyến công tác của tôi tại Đài Loan, ông
Lawrence S. Ting đã mời cơm thân mật và giới thiệu với tôi người con
trai của ông vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, sẽ sang công tác ở
Kiên Giang để được rèn luyện trong môi trường mới và hy vọng sẽ làm
ăn lâu dài ở Việt Nam. Kỷ niệm một năm ngày ông Lawrence S. Ting mất,
tôi muốn một lần nữa đánh giá cao các ý tưởng mới và tầm nhìn của
ông, hy vọng rằng người con trai sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp mà
ông còn dang dở ở Việt Nam.
¡@
Ông NGUYỄN MẠI
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư
¡@
|