Khi Nhà nước Việt Nam bắt đầu có chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài thì Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng là một trong những công ty đến sớm và ngay từ đó chúng tôi đã thấy tất cả sự nhiệt tình và lòng trung thực của ông Lawrence S.Ting (Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng). Đó là điều rất đáng hoan nghênh và cũng trên thực tế ông Ting làm được nhiều điều mà ông đã hứa hẹn với chúng tôi trong buổi ban đầu chứ đây không phải là một công ty chỉ nói mà không làm. Tôi còn nhớ tất cả những điều mà ông Ting hứa hẹn với chúng tôi trong buổi đầu khi ông mới sang Việt Nam.
Sự thành công của ông Ting có tác dụng động viên các công ty khác của Đài Loan. Chúng tôi rất mong rằng từ nay về sau ông Ting cố giữ được truyền thống đó, sự thành công đó để cùng với các bạn Việt Nam phát triển dự án tốt hơn nữa.
Tất nhiên trong quá trình làm thì phải có chuyện nọ chuyện kia, đó là chuyện rất bình thường vì đây là loại hình dự án rất mới với Việt Nam và có lẽ cũng rất mới với ông Ting. Do vậy, với dự án này không dễ dàng gì làm nhanh được, làm tốt ngay được từ đầu. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm mà bên phía ông Ting cũng vậy, vừa làm, vừa tìm hiểu, vừa rút kinh nghiệm. Chính đức tính này của ông Ting là điều chúng tôi rất hoan nghênh và cũng nhờ đức tính này đã đưa ông và Công ty đến những thành công ngày hôm nay. Cuối cùng bây giờ chúng ta đã đi đến được cái đích mà nhiều người mong muốn. Chúng tôi mong rằng ông Ting và các bạn Đài Loan cố gắng hơn nữa và mở rộng ra làm ăn ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều vùng lãnh thổ, không chỉ ở TP. HCM mà có thể ở các địa phương khác. Nếu như ông Ting rút được kinh nghiệm khi đầu tư vào TPHCM rồi thì khi quyết định đầu tư vào các địa phương khác sẽ dễ thành công hơn.
Tôi muốn gởi lời chúc mừng sự thành công của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và xin cảm ơn tinh thần tích cực xây dựng trong quá trình làm ăn ở Việt Nam của Công ty. Thành công trong thời gian qua của Phú Mỹ Hưng là thành công lớn vì Công ty phải vượt qua khó khăn chứ dự án không trôi chảy đơn giản. Công ty đã kiên trì đưa ra sáng kiến, vượt qua bao nhiêu khó khăn. Nói thật cũng có lúc tôi cũng dao động vì sợ dự án này không thành công được. Trao đổi với Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi nói bây giờ mình tìm được những công ty như CT&D thì hay biết bao nhiêu. Khi ra nước ngoài kêu gọi đầu tư vào Việt Nam tôi cũng hay nhắc đến các dự án của CT&D. Triển khai dự án Tân Thuận lúc đầu cũng khó khăn lắm, chuyện giao đất đã khó, giải phóng mặt bằng cũng khó nhưng bây giờ nhà đầu tư đã làm được dự án đâu ra đó. Tôi khuyên các nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn nên theo gương một số nhà đầu tư đi trước, như ông Ting ở Tân Thuận, kiên trì lắm mới làm được chứ không phải dễ. Mà kiên trì thì phải có sáng kiến để có hướng khắc phục những khó khăn.
Chúng tôi không chỉ hoan nghênh về kết quả đầu tư mà còn hoan nghênh cách làm của nhà đầu tư này. Phải nói là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng rất giỏi. Khi cấp giấy phép thành lập liên doanh, chúng tôi nghĩ cấp thì cấp chứ chưa chắc làm được là vì tôi vào TPHCM thấy chuyện giải phóng mặt bằng cho dự án là cái đơn giản nhất mà không giải phóng được thì làm cái gì. Bấy giờ tôi trao đổi với lãnh đạo TPHCM rằng nếu làm thất bại công trình này thì không ai sẽ đến nữa, mà không đến TPHCM thì có nghĩa là không đến Việt Nam nữa, coi như chiến lược của chúng ta đã thất bại. Phải cùng chia sẽ khó khăn với nhà đầu tư.
Theo tôi, về phương hướng hợp tác để phát triển một khu đô thị ra biển Đông của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng là chính xác, không ai nói gì khác. Kế đến là địa bàn Công ty chọn lựa có điều kiện rất tốt để phát triển. Như vậy nội dung dự án tốt, địa bàn hoạt động tốt và quá trình điều hành cũng rất tốt nên mới đưa đến kết quả như hôm nay. Tôi xin nhắc lại là các khó khăn nhất định phải giải quyết trong quá trình triển khai dự án là điều bình thường, quan trọng là dần dần chúng ta hiểu nhau, dần dần chúng ta thấy sự thành tâm, giúp đỡ lẫn nhau thật sự.
Gần đây khi trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, tôi có nói bây giờ nếu ta tìm được những công ty như Phú Mỹ Hưng để tiếp tục mở rộng dự án phát triển đô thị mới thì phải cố gắng đảm bảo các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư để khuyến khích họ.
Hiện nay, đầu tư nước ngoài là một biện pháp cực kỳ tốt, nước nào biết tận dụng biện pháp này thì kinh tế phát triển nhanh. Một trong những thành công của Trung Quốc là đầu tư nước ngoài. Bây giờ phải hiểu là nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào nơi có môi trường nào thuận lợi và hai bên-nhà đầu tư và nước sở tại cùng có lợi. Với Việt Nam chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài vẫn kiên trì và xác định, không kêu gọi đầu tư nước ngoài thì không phát triển được. Chính phủ Việt Nam sẽ có những cải cách mới. Chúng tôi sẽ làm luật đầu tư chung cho cả doanh nghiệp nước ngoài, cả quốc doanh, cả tư nhân Việt Nam. Hiện đang giai đoạn soạn thảo luật đầu tư chung để không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi có Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, bây giờ chúng tôi đợi Thủ tướng chấp thuận bản thảo luật đầu tư chung. Tất nhiên mỗi ngành sẽ có những đặc thù riêng. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn chứ không nhà đầu tư bảo ¡§hôm nay thế này nhưng ngày mai các ông lật lại thế này thì chúng tôi chịu sao nổi¡¨. Một luật cho bốn thành phần doanh nghiệp để thông báo cho thế giới biết đúng là ở Việt Nam doanh nghiệp được bình đẳng thật sự.
Việt Nam đang phấn đấu để vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Như vậy, trong tương lai trong nước các doanh nghiệp bình đẳng như nhau mà ra quốc tế cũng bình đẳng như doanh nghiệp các nước khác. Việt Nam đang tiến lên chứ không phải lùi lại. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9 xác định rõ đầu tư nước ngoài cũng là một thành phần của nền kinh tế của Việt Nam, như vậy đầu tư nước ngoài sẽ tồn tại ở Việt Nam lâu dài.
Tôi đã ký cho một dự án đầu tư vào Đà Lạt của một công ty Singapore với thời hạn đầu tư là 70 năm. Điều đó cũng có nghĩa là 70 năm nữa trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đầu tư nước ngoài. Tôi muốn nói như thế để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài và mong muốn các nhà đầu tư chọn Việt Nam làm nơi đầu tư, kinh doanh dài lâu. Tôi muốn nhắc lại một chi tiết tuy nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng. Ở Việt Nam ai là người nói về đầu tư nước ngoài đầu tiên? Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1949 Bác Hồ đã đề cập đến vấn đề đầu tư nước ngoài.
|
|