Không thể quên người kết bạn với mình lúc nghèo khó

Cầu Ông Lớn - cầu mái vòm hiện đại đầu tiên tại Việt Nam - sừng sững trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh

¡@

Thấm thoát đã một năm trôi qua kể từ ngày ông Lawrence S. Ting vĩnh biệt chúng ta. Ấy vậy mà những hình ảnh của ông - một doanh nhân cương nghị, quyết đoán và đáng tin cậy - như tôi nhìn thấy trong buổi Lễ thông xe Đại lộ Nguyễn Văn Linh giai đoạn hai và chào mừng 10 năm phát triển Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng vẫn hiện ra rõ ràng trước mắt mỗi khi tôi và các bạn hữu nhắc tới sự đóng góp hiệu quả của các nhà đầu tư Đài Loan vào giai đoạn ban đầu đầy khó khăn của thời kỳ đổi mới ở đất nước ta.

¡@

Tuy ít có dịp gặp gỡ và làm việc trực tiếp với ông Ting, nhưng qua sự nghiệp to lớn mà ông đã gầy dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh được cả nước biết đến như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng với Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nhà máy Điện Hiệp Phước, tôi cảm nhận được rằng ông là một nhà kinh doanh có tầm nhìn xa trông rộng, có tinh thần dũng cảm và đầy kiên nhẫn của người đi tiên phong khai phá.

¡@

Các dự án kể trên đều có điểm chung đáng lưu ý là hoàn toàn mới mẻ, mang tính đột phá và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Những dự án ấy còn đem lại cho các nhà hoạch định chính sách nước ta cách nhìn mới, rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho sự nghiệp phát triển quốc gia.

¡@

Nhìn về quá khứ, khi nhận nhiệm vụ đưa Công ty CT&D gia nhập thị trường quốc tế, ông Ting đã cất công tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới để rồi cuối cùng lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư. Đây là một quyết định táo bạo và đầy mạo hiểm, vì như mọi người còn nhớ, lúc bấy giờ chúng ta mới bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều bỡ ngỡ và biết bao thách thức! Trong khi nhiều doanh nhân nước ngoài vẫn còn nghi ngại thì ông Ting đã đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam và quyết tâm đồng hành cùng người dân Việt trong bước khởi đầu xây dựng. Và thực tế đã chứng minh đánh giá của ông hoàn toàn chính xác: đến năm 2000, GDP của Việt Nam tăng gấp đôi so với năm 1990!

¡@

Tầm nhìn chiến lược và tính cách quyết đoán của ông còn bộc lộ rõ trong các dự án đầu tư của Công ty CT&D tại Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện tầm cao trí tuệ tích lũy từ thực tiễn phát triển phong phú của Đài Loan trong quá trình biến đổi một miền đất đầy khó khăn thành con hổ kinh tế của châu Á. Cũng chính từ thực tế của những dự án này mà các chuyên gia xây dựng Việt Nam, và không chỉ riêng họ, đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm quý báu, từ chủ trương đến cách tổ chức, quản lý và thực hiện một dự án đầu tư. Đấy chính là những lợi ích không thể tính được bằng tiền.

¡@

Đặt chân đến Việt Nam với tư cách một nhà kinh doanh, chẳng bao lâu sau ông Ting đã trở thành người bạn thân thiết đầy lòng yêu mến và tôn trọng người dân bản địa. Chúng tôi - những người từng có dịp tiếp xúc, làm việc cùng ông đồng thời hiểu rõ những cống hiến của ông cho Việt Nam - đều đánh giá cao tính kiên nhẫn và tâm huyết của ông đối với sự nghiệp phát triển của Việt Nam, đất nước mà ông xem là quê hương thứ hai của mình.

¡@

Người xưa đã dạy rằng: "Không thể quên người kết bạn với mình lúc nghèo khó" (Bần tiện chi giao bất khả phong). Mỗi khi có dịp đi trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đến Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, lặng ngắm tòa cao ốc hiện đại Lawrence S.Ting, hồi tưởng lại nơi đây xưa kia vốn là vùng đất trũng hoang vắng, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến ông Ting với niềm tiếc nuối đã không có dịp cùng ông chứng kiến toàn cảnh đẹp đẽ của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trong ngày khánh thành!

¡@

Ông PHẠM SỸ LIÊM

Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

¡@